Chuyển nhượng vốn có phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp không? Cách tính thuế TNDN chuyển nhượng vốn, thuế suất TNDN chuyển nhượng vốn, thời hạn nộp tờ khai thuế TNDN chuyển nhượng vốn …?
Cùng đi tìm câu trả lời ngay trong bài viết dưới đây của kế toán Bách Khoa nhé!
1. Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?
Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về khái niệm thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, căn cứ theo các quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn, có thể hiểu đơn giản về thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
Thuế thu nhập doanh nghiệp là một loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào phần thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác theo quy định của pháp luật sau khi đã trừ đi các khoản chi phí hợp lý, hợp pháp liên quan đến thu nhập của doanh nghiệp.
Đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.
2. Phạm vi áp dụng tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn
Thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn là thu nhập có được từ hoạt động chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn của doanh nghiệp đã đầu tư cho một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân khác, bao gồm cả các trường hợp bán doanh nghiệp.
Thời điểm để xác định thu nhập từ chuyển nhượng vốn là thời điểm chuyển quyền sở hữu vốn.
– Trường hợp 1: Doanh nghiệp thực hiện bán toàn bộ công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu, dưới hình thức chuyển nhượng vốn có gắn với bất động sản thì thực hiện kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo hoạt động chuyển nhượng bất động sản, sau đó thực hiện kê khai theo tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp ( Mẫu số 06/TNDN).
– Trường hợp 2: Doanh nghiệp có chuyển nhượng vốn không nhận bằng tiền, mà nhận bằng tài sản, hoặc quy đổi sang các lợi ích vật chất khác như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ… có phát sinh thu nhập thì sẽ phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó, giá trị tài sản, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ sẽ được xác định theo giá bán của sản phẩm trên thị trường tại thời điểm nhận tài sản. Lưu ý: Đối với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài sản xuất kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam thì nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, nếu phát sinh hoạt động chuyển nhượng vốn thì thực hiện kê khai, nộp thuế như sau:
Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vốn có trách nhiệm xác định, kê khai, khấu trừ và nộp thay tổ chức nước ngoài số thuế phải nộp. Nếu bên nhận chuyển nhượng cũng là tổ chức nước ngoài thì doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam nơi có tổ chức nước ngoài đầu tư vốn sẽ có trách nhiệm kê khai, nộp thay số thuế đó.
3. Công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn
Thuế TNDN phải nộp | = | Thu nhập tính thuế | x | 20% |
Trong đó: thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn được tính theo công thức sau:
Thu nhập tính thuế | = | Giá chuyển nhượng | – | Giá mua của phần vốn chuyển nhượng | – | Chi phí chuyển nhượng |
Cụ thể:
Giá chuyển nhượng: Là tổng giá trị thực tế mà bên chuyển nhượng thu được theo hợp đồng chuyển nhượng.
– Trường hợp 1: Hợp đồng chuyển nhượng vốn quy định thanh toán theo hình thức trả góp, trả chậm thì doanh thu của hợp đồng chuyển nhượng sẽ không bao gồm phần lãi trả góp hoặc trả chậm theo thời hạn trong hợp đồng.
– Trường hợp 2: Hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc cơ quan thuế xác định giá thanh toán không phù hợp theo giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền kiểm tra, ấn định giá chuyển nhượng.
Nếu doanh nghiệp chuyển nhượng một phần vốn góp trong doanh nghiệp nhưng giá chuyển nhượng phần vốn góp này không phù hợp theo giá thị trường thì cơ quan thuế được ấn định tại toàn bộ giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chuyển nhượng để xác định lại giá chuyển nhượng tương ứng với tỷ lệ vốn góp.
Căn cứ để ấn định giá chuyển nhượng phụ thuộc vào tài liệu điều tra của cơ quan thuế hoặc dựa trên giá chuyển nhượng vốn của các đơn vị khác trong cùng thời điểm, cùng tổ chức kinh tế hoặc các hợp đồng tương tự. Nếu việc ấn định giá chuyển nhượng của cơ quan thuế không phù hợp thì sẽ căn cứ theo giá thẩm định của các tổ chức định giá chuyên nghiệp có thẩm quyền.
Doanh nghiệp chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân thì phần giá trị vốn chuyển nhượng theo hợp đồng có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Nếu việc chuyển nhượng vốn không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng.
Giá mua của phần vốn chuyển nhượng: Có sự khác biệt với từng trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Nếu là chuyển nhượng vốn góp thành lập doanh nghiệp: Giá trị phần vốn góp lũy kế đến thời điểm chuyển nhượng vốn trên cơ sở hồ sơ, sổ sách được các bên xác nhận, hoặc kết quả kiểm toán của công ty kiểm toán độc lập với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
– Trường hợp 2: Nếu là phần vốn do mua lại: Giá mua là giá trị vốn tại thời điểm mua, được xác định dựa trên hợp đồng mua lại phần vốn góp, chứng từ thanh toán.
- Doanh nghiệp hạch toán bằng đồng ngoại tệ theo đúng quy định về chế độ kế toán có chuyển nhượng vốn góp bằng ngoại tệ thì giá chuyển nhượng và giá mua phần vốn chuyển nhượng được xác định bằng đồng ngoại tệ.
- Doanh nghiệp hạch toán bằng VND có chuyển nhượng vốn góp bằng ngoại tệ thì giá chuyển nhượng phải được xác định bằng VND theo tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thực hiện mở tài khoản tại thời điểm chuyển nhượng.
Chi phí chuyển nhượng: Là khoản chi thực tế có chứng từ, hóa đơn hợp pháp liên quan đến hoạt động chuyển nhượng.
Nếu chi phí phát sinh ở nước ngoài thì các chứng từ gốc phải được cơ quan công chứng hoặc kiểm toán độc lập của nước đó xác nhận và phải được dịch ra tiếng Việt (có xác nhận của đơn vị có thẩm quyền).
Chi phí chuyển nhượng bao gồm:
- Chi phí làm thủ tục pháp lý cho việc chuyển nhượng
- Khoản phí và lệ phí khi làm thủ tục chuyển nhượng
- Chi phí giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng
- Các chi phí khác có giấy tờ chứng minh.
Ví dụ: Công ty kế toán Bách Khoa góp 80 tỷ đồng gồm 60 tỷ đồng là giá trị nhà xưởng và 20 tỷ đồng tiền mặt để thành lập doanh nghiệp liên doanh sản xuất giấy.
– Sau đó Cty chuyển nhượng phần vốn góp nêu trên cho doanh nghiệp B với giá là 100 tỷ đồng.
– Vốn góp của Cty tại thời điểm chuyển nhượng trên sổ sách kế toán là 80 tỷ đồng, chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng vốn là 10 tỷ đồng.
-> Thu nhập để tính thuế thu nhập từ chuyển nhượng vốn trong trường hợp này là: 100 – 80 – 10 = 10 tỷ đồng
4. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế TNDN từ chuyển nhượng vốn
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.
Trên đây là toàn bộ nội dung về Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn mà kế toán Bách Khoa muốn gửi đến quý bạn đọc. Trong quá trình tìm hiểu vấn đề, nếu có bất kỳ thắc mắc nào hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ thì hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất. Chúng tôi có các dịch vụ hỗ trợ mà bạn cần.
DỊCH VỤ KẾ TOÁN THUẾ TRỌN GÓI GIÁ RẺ BÁCH KHOA
VPGD: Tòa CT4 KĐT Mỹ Đình, Đường Mễ Trì, Phường Mỹ Đình 1, Quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Hotline: 094.859.3663
Zalo: Dịch vụ tư vấn thuế Bách Khoa trên Zalo
Mail: ketoanbachkhoa.edu@gmail.com
Website: Dịch vụ kê khai thuế Bách khoa – Báo giá trọn gói tại Hà Nội
Bài viết liên quan: