Ngày 03/12/2024, Hàn Quốc ban hành lện thiết quân luật và bãi bỏ sau 6 tiếng áp dụng do phản đối của quốc hội và người dân. Cùng tìm hiểu xem tại Việt Nam, thiết quân luật là gì, áp dụng như thế nào?
1. Thiết quân luật là gì?
Thiết quân luật là một biện pháp quản lý nhà nước đặc biệt, được áp dụng trong thời gian ngắn do Quân đội thực hiện, nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội trong những tình huống khẩn cấp khi chính quyền dân sự không còn kiểm soát được tình hình. Điều này được quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Quốc phòng 2018.
2. Giới nghiêm là gì?
Giới nghiêm là biện pháp hạn chế hoặc cấm hoàn toàn người và phương tiện di chuyển, hoạt động trong một khoảng thời gian cụ thể tại một khu vực nhất định. Ngoại lệ chỉ áp dụng cho những người được cấp phép theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Điều này được quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Quốc phòng 2018.
3. Quy định pháp luật về thiết quân luật và giới nghiêm
3.1. Quy định về thiết quân luật
Theo Điều 21 Luật Quốc phòng 2018:
Thẩm quyền ban bố: Chủ tịch nước ban hành lệnh thiết quân luật khi tình hình an ninh, trật tự tại địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng khiến chính quyền không kiểm soát được. Quyết định này được thực hiện theo đề nghị của Chính phủ.
Nội dung lệnh thiết quân luật:
- Xác định phạm vi áp dụng (cấp tỉnh, huyện, xã, khu kinh tế đặc biệt).
- Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khu vực.
- Công bố liên tục trên phương tiện truyền thông.
Các biện pháp áp dụng trong thời gian thiết quân luật:
- Cấm hoặc hạn chế di chuyển và hoạt động tại nơi công cộng.
- Cấm biểu tình, đình công, tụ tập đông người.
- Bắt giữ hoặc cưỡng chế những người đe dọa quốc phòng, an ninh.
- Quản lý chặt chẽ vũ khí, chất nguy hiểm và phương tiện thông tin.
- Trưng mua, trưng dụng tài sản nếu cần thiết.
Chấm dứt thiết quân luật: Khi tình hình đã ổn định, Chủ tịch nước ra lệnh bãi bỏ theo đề nghị của Chính phủ.
3.2. Quy định về giới nghiêm
Theo Điều 22 Luật Quốc phòng 2018:
Thẩm quyền ban bố:
- Thủ tướng Chính phủ ban bố giới nghiêm cấp tỉnh.
- UBND tỉnh/huyện/xã ban bố giới nghiêm tại địa phương tương ứng.
Nội dung lệnh giới nghiêm:
- Khu vực và thời gian áp dụng (tối đa 24 giờ, có thể gia hạn).
- Nhiệm vụ và quyền hạn của các đơn vị thực thi.
- Quy định về trật tự xã hội cần tuân thủ.
Các biện pháp áp dụng trong thời gian giới nghiêm:
- Cấm tụ tập đông người.
- Hạn chế di chuyển, hoạt động tại khu vực và thời gian nhất định.
- Đặt trạm kiểm soát, kiểm tra hành lý và phương tiện.
- Bắt giữ và xử lý vi phạm lệnh giới nghiêm.
4. Các trường hợp ban bố thiết quân luật
Thiết quân luật được ban bố khi:
An ninh chính trị bị xâm phạm nghiêm trọng:
- Các hành động gây bất ổn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội, như bạo loạn, khủng bố, hoặc nguy cơ lật đổ chính quyền.
Chính quyền địa phương không kiểm soát được tình hình:
- Các cơ quan dân sự không còn đủ khả năng duy trì trật tự xã hội, cần đến sự can thiệp trực tiếp của quân đội.
Cần áp dụng biện pháp khẩn cấp để duy trì trật tự:
- Các biện pháp thông thường không hiệu quả, cần áp dụng các biện pháp đặc biệt như cấm đi lại, kiểm soát vũ khí, hoặc huy động nguồn lực.
5. Ai có thẩm quyền ban bố thiết quân luật?
Theo khoản 1 Điều 21 Luật Quốc phòng 2018, thẩm quyền ban bố thiết quân luật thuộc về Chủ tịch nước.
Quy trình:
- Chính phủ xem xét tình hình và đề nghị Chủ tịch nước ban hành lệnh thiết quân luật.
- Sau khi được ban bố, lệnh thiết quân luật sẽ được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Người chỉ đạo thực hiện lệnh:
- Thủ tướng Chính phủ quyết định triển khai và phân công nhiệm vụ.
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ huy quân đội thực thi các biện pháp thi hành lệnh thiết quân luật tại địa phương.
Lưu ý:
Lệnh thiết quân luật chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, và khi tình hình đã ổn định, Chủ tịch nước sẽ ra lệnh bãi bỏ theo đề nghị của Chính phủ.
Bài viết liên quan: