Doanh nghiệp mới thành lập cần làm những gì? 9 công việc cần làm sau khi thành lập công ty như: khai thuế ban đầu, mua chữ ký số, thông báo phát hành hóa đơn điện tử, nộp tờ khai thuế môn bài… sẽ được hướng dẫn chi tiết trong bài viết này.
Những việc cần làm ngay sau khi thành lập công ty
Khắc dấu tròn công ty
- Theo Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp có quyết định số lượng, hình thức và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nội dung con dấu phải thể hiện được 2 thông tin quan trọng là: tên doanh nghiệp, mã số thuế của doanh nghiệp.
- Lưu ý: Trước đây, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: trước khi sử dụng con dấu, doanh nghiệp phải làm thủ tục thông báo mẫu dấu với Sở KH&ĐT. Nhưng từ ngày 01/01/2021, Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực đã bãi bỏ quy định này.
Làm bảng hiệu công ty
- Theo quy định tại Khoản 4 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020: “Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp”. Do đó, sau khi có giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp phải làm bảng hiệu công ty và treo tại trụ sở chính.
- Theo Khoản 2 Điều 52 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp có thể bị xử phạt từ 30.000.000đ – 50.000.000đ nếu không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh.
Doanh nghiệp cũng cần lưu ý: Bất cứ khi nào, cán bộ thuế cũng có thể đi kiểm tra xem doanh nghiệp có hoạt động và treo biển tại trụ sở chính hay không. Nếu không thấy doanh nghiệp treo biển hiệu, cơ quan thuế có thể khóa mã số thuế của doanh nghiệp. Khi đó ngoài việc bị phạt hành chính, doanh nghiệp phải làm thủ tục mở lại mã số thuế rất phức tạp.
Mua chữ ký số
- Chữ ký số điện tử là công cụ bắt buộc phải có đối với doanh nghiệp và có giá trị pháp lý tương đương với con dấu pháp nhân.
- Với chữ ký số, doanh nghiệp có thể dễ dàng kê khai, nộp thuế điện tử, kê khai hải quan điện tử, kê khai bảo hiểm xã hội điện tử, giao dịch trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, đấu thầu điện tử… mà không cần phải đi lại, quả thật rất tiện lợi.
Mở tài khoản ngân hàng
- Mở tài khoản ngân hàng không chỉ giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các công việc như thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ, nộp thuế, kiểm soát dòng tiền mà quan trọng hơn cả, là các khoản chi phí của doanh nghiệp từ 20 triệu đồng trở lên bắt buộc phải được thanh toán từ tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp thì mới được trừ khi tính thuế TNDN và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào (theo quy định tại Thông tư 173/2016/TT-BTC và Nghị định 209/2013/NĐ-CP).
- Doanh nghiệp có thể đăng ký mở tài khoản công ty tại bất kỳ ngân hàng thương mại nào ở Việt Nam và có thể mở nhiều tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau tùy theo nhu cầu.
Lưu ý: Sau khi có tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp cần thực hiện đăng ký nộp thuế điện tử và thông báo số tài khoản ngân hàng với Cơ quan quản lý thuế trực tiếp.
Nộp hồ sơ khai thuế ban đầu
- Kê khai thuế ban đầu là việc rất quan trọng đối với doanh nghiệp sau khi thành lập. Theo Khoản 2, Điều 33 Luật Quản lý thuế 2019, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục khai thuế ban đầu trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Trường hợp doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ khai thuế có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2.000.000 – 25.000.000đ tùy theo mức độ vi phạm (theo Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP).
Hồ sơ khai thuế ban đầu gồm có:
- Lập quyết định bổ nhiệm giám đốc.
- Lập quyết định bổ nhiệm kế toán trưởng.
- Đăng ký tài khoản kê khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử.
- Đăng ký phương pháp trích khấu hao tài sản cố định.
- Phiếu kê khai thông tin doanh nghiệp (tùy cơ quan quản lý thuế).
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ khai thuế ban đầu, doanh nghiệp có thể lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp tại Cơ quan quản lý thuế trực tiếp hoặc nộp thông qua website thuedientu.gdt.gov.vn.
Nộp tờ khai lệ phí môn bài
Thời hạn nộp tờ khai thuế môn bài:
- Doanh nghiệp phải nộp tờ khai lệ phí môn bài cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 30 tháng 1 năm sau năm thành lập (Khoản 1 Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP).
Mức đóng lệ phí môn bài đối với doanh nghiệp:
Căn cứ Khoản 1 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC và Khoản 3 Điều 1 Thông tư 65/2020/TT-BTC:
- Doanh nghiệp được miễn lệ phí môn bài năm đầu thành lập (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12).
- Từ năm thứ 2 trở đi, mức phí môn bài doanh nghiệp phải đóng như sau:
Vốn điều lệ | Lệ phí môn bài phải đóng |
Vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng | 3.000.000 đồng/năm |
Vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống | 2.000.000 đồng/năm |
Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh… | 1.000.000 đồng/năm |
Thời hạn nộp lệ phí môn bài:
- Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 1 hàng năm (theo Khoản 9, Điều 18, Nghị định 126/2020/NĐ-CP).
- Quá thời hạn quy định mà doanh nghiệp vẫn chưa nộp tiền lệ phí môn bài, thì theo Khoản 3 Điều 3 Thông tư 130/2016/TT-BTC, doanh nghiệp sẽ bị phạt do chậm nộp lệ phí môn bài như sau:
Ví dụ: Tiền lệ phí môn bài phải đóng là 3.000.000đ/năm, số ngày chậm nộp là 21 ngày, thì số tiền phạt = 3.000.000 x 0.03% x 21 = 18.900đ.
Mua và thông báo phát hành hóa đơn điện tử
Hiện nay, đối với doanh nghiệp sau khi thành lập nếu có nhu cầu xuất hóa đơn, thì bắt buộc phải mua hóa đơn điện tử và làm thủ tục thông báo phát hành hóa đơn gửi cơ quan thuế trước khi sử dụng 2 ngày.
Hồ sơ thông báo phát hành hoá đơn điện tử bao gồm:
- Quyết định sử dụng hóa đơn (do người đại diện pháp luật doanh nghiệp ký, đóng dấu).
- Thông báo phát hành hóa đơn điện tử.
- Mẫu hóa đơn điện tử.
Đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên
Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Trong 30 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, doanh nghiệp phải đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Các đối tượng mà doanh nghiệp bắt buộc phải đóng bảo hiểm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn/không thời hạn, theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.
- Người quản lý doanh nghiệp có hưởng lương.
Trường hợp doanh nghiệp chậm đóng BHXH cho toàn bộ người lao động sẽ bị phạt tiền từ 18%-20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng. Trường hợp doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động thì có thể bị phạt từ 50 – 70 triệu đồng (Điều 4 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).
Hoàn thiện các điều kiện về giấy phép, chứng chỉ, vốn
- Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định doanh nghiệp có trách nhiệm phải góp đủ số vốn điều lệ đã đăng ký trong vòng 90 ngày kể từ ngày thành lập công ty.
- Bổ sung giấy phép con đối với những ngành nghề có điều kiện trước khi chính thức đi vào hoạt động. Ví dụ như: chứng chỉ hành nghề, giấy phép an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, giấy phép kinh doanh bán lẻ…
DỊCH VỤ KẾ TOÁN THUẾ TRỌN GÓI GIÁ RẺ BÁCH KHOA
VPGD: Tòa CT4 KĐT Mỹ Đình, Đường Mễ Trì, Phường Mỹ Đình 1, Quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Hotline: 094.859.3663
Zalo: Dịch vụ tư vấn thuế Bách Khoa trên Zalo
Mail: ketoanbachkhoa.edu@gmail.com
Website: Dịch vụ thành lập công ty – Tặng bạn 3 tháng kê khai thuế (ketoanbachkhoa.vn)
Bài viết liên quan: