Các trường hợp phải xuất hóa đơn điện tử theo thông tư 78/2021/TT-BTC và Nghị định 123/2020/NĐ-CP

Quy định về các trường hợp phải xuất hóa đơn điện tử theo Thông tư 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ.

Theo quy định tại điều 4 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ thì:

Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.
 
Vậy là khi doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử theo Thông tư 78/2021/TT-BTC và Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua, bao gồm cả các trường hợp sau:
+ Hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu;
+ Hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi,
+ Hàng hóa, dịch vụ dùng để trả thay lương cho người lao động
+ Hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất);
+ Xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa

So với các quy định về hóa đơn trước đây thì các trường hợp phải xuất hóa đơn  theo Thông tư 78/2021/TT-BTC và Nghị định 123/2020/NĐ-CP có gì thay đổi:

Theo điểm b, c khoản 1 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC thì:

Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa.
 

Theo điểm a, khoản 7, điều 3 của Thông tư 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC hướng dẫn về việc lập hóa đơn thì:

Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).
=> Vậy là nếu như Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn giấy hoặc hóa đơn điện tử theo thông tư 32/2011/TT-BTC thì: bắt đầu từ ngày 01/01/2015 trở đi:
 
+ Xuất tiêu dùng nội bộ không phải xuất hóa đơn
+ Xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa cũng không phải xuất hóa đơn

Cách sử dụng hóa đơn điện tử theo thông tư 78 và nghị định 123 trong 1 vài các trường hợp cụ thể như sau

Các trường hợp phải xuất hóa đơn điện tử theo Thông tư 78/2021/TT-BTC Nghị định 123/2020/NĐ-CP

1. Đối với hoạt động xuất khẩu: Phải xuất hóa đơn sau khi làm xong thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu

Theo quy định tại khoản 1, điều 8 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì:

Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho các hoạt động: 

+ Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
+ Hoạt động vận tải quốc tế;
+ Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
+ Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

Theo quy định tại khoản 2, điều 8 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì:

Hóa đơn bán hàng là hóa đơn dành cho các tổ chức, cá nhân như sau:
-Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp sử dụng cho các hoạt động:
+ Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
+ Hoạt động vận tải quốc tế;
+ Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
+ Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
 
– Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”.

Theo điểm c, khoản 3, điều 13. Áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì:

Cơ sở kinh doanh kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (kể cả cơ sở gia công hàng hóa xuất khẩu) khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng điện tử.
Khi xuất hàng hóa để vận chuyển đến cửa khẩu hay đến nơi làm thủ tục xuất khẩu, cơ sở sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo quy định làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường. Sau khi làm xong thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu, cơ sở lập hóa đơn giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu.
 
2. Đối với hoạt động điều chuyển hàng hóa, tài sản
 

Theo điểm d, khoản 3, điều 13. Áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì:

Doanh nghiệp kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ xuất điều chuyển hàng hóa cho các cơ sở hạch toán phụ thuộc như các chi nhánh, cửa hàng ở khác địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) để bán hoặc xuất điều chuyển giữa các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc với nhau; xuất hàng hóa cho cơ sở nhận làm đại lý bán đúng giá, hưởng hoa hồng, căn cứ vào phương thức tổ chức kinh doanh và hạch toán kế toán, cơ sở có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau:
 
+ Sử dụng hóa đơn điện tử giá trị gia tăng để làm căn cứ thanh toán và kê khai nộp thuế giá trị gia tăng ở từng đơn vị và từng khâu độc lập với nhau;
 
+ Sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ; sử dụng Phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý theo quy định đối với hàng hóa xuất cho cơ sở làm đại lý.
 
Theo điểm g, khoản 3, điều 13 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì:
Trường hợp điều chuyển tài sản giữa các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc trong tổ chức; tài sản điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì tổ chức có tài sản điều chuyển phải có lệnh điều chuyển tài sản, kèm theo bộ hồ sơ nguồn gốc tài sản và không phải lập hóa đơn.
Theo điểm h, khoản 3, điều 13 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì:
Trường hợp tài sản điều chuyển giữa các đơn vị hạch toán độc lập hoặc giữa các đơn vị thành viên có tư cách pháp nhân đầy đủ trong cùng một tổ chức, thì tổ chức có tài sản điều chuyển phải lập hóa đơn điện tử như bán hàng hóa.

 

3. Đối với hoạt động góp vốn bằng tài sản:

Theo điểm e, khoản 3, điều 13 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì:
Trường hợp góp vốn bằng tài sản của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam để thành lập doanh nghiệp thì không phải lập hóa đơn mà sử dụng các chứng từ biên bản chứng nhận góp vốn, biên bản giao nhận tài sản, biên bản định giá tài sản kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản.
 

4. Đối với hình thức bán hàng lưu động

Theo điểm đ, khoản 3, điều 13 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì:

Tổ chức, cá nhân xuất hàng hóa bán lưu động sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo quy định, khi bán hàng lập hóa đơn điện tử theo quy định.

5. Trường hợp nhận nhập khẩu hàng hóa ủy thác

Theo điểm a, khoản 3, điều 13 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì:
Nếu cơ sở kinh doanh nhận nhập khẩu ủy thác đã nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu thì sử dụng hóa đơn điện tử khi trả hàng cho cơ sở kinh doanh ủy thác nhập khẩu. Nếu chưa nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu, khi xuất trả hàng nhập khẩu ủy thác, cơ sở nhận ủy thác lập phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo quy định làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường.


6. Trường hợp ủy thác xuất khẩu hàng hóa:

Theo điểm b, khoản 3, điều 13 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì:
 
– Khi xuất hàng giao cho cơ sở nhận ủy thác, cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ.
 
– Khi hàng hóa đã thực xuất khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan, căn cứ vào các chứng từ đối chiếu, xác nhận về số lượng, giá trị hàng hóa thực tế xuất khẩu của cơ sở nhận ủy thác xuất khẩu, cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu lập hóa đơn điện tử giá trị gia tăng để kê khai nộp thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng hoặc hóa đơn điện tử bán hàng. Cơ sở nhận ủy thác xuất khẩu sử dụng hóa đơn điện tử giá trị gia tăng hoặc hóa đơn điện tử bán hàng để xuất cho khách hàng nước ngoài.

KẾ TOÁN BÁCH KHOA – DỊCH VỤ KẾ TOÁN THUẾ TRỌN GÓI BÁCH KHOA

VPGD: Phòng 503 Tòa CT4 KĐT Mỹ Đình, Đường Mễ Trì, Phường Mỹ Đình 1, Quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Hotline: 098.554.7782
Mail: dichvuketoan.bachkhoa@gmail.com
Đánh giá bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *