Từ 1/1/2024, Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu và Quốc hội giao Chính phủ trong năm sau nghiên cứu lập quỹ hỗ trợ đầu tư lĩnh vực công nghệ cao.
Sáng 29/11, với trên 93,5% đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu).
Thuế tối thiểu toàn cầu là gì?
Thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (gọi tắt là Thuế tối thiểu toàn cầu) là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Hiện 142/142 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đồng thuận. Với loại thuế này, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào.
Hiện nay, hơn 1.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó, hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu ngay trong từ năm 2024.
Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ áp dụng là bao nhiêu?
Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
Mức thuế này không áp dụng với các tổ chức của Chính phủ; tổ chức quốc tế; tổ chức phi lợi nhuận; quỹ hưu trí; quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao; tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao.
Tổ chức có ít nhất 85% giá trị tài sản thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức trên cũng không phải chịu thuế suất 15%.
Qua rà soát của Tổng cục Thuế, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu các nước có công ty mẹ đều áp thuế từ năm 2024, các nước này sẽ thu thêm phần thuế chênh lệch khoảng hơn 14.600 tỉ đồng trong năm sau.
Khó khăn khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu
Băn khoăn về bảo đảm môi trường đầu tư
Với thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi thuế sẽ không còn là lợi thế để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Nam vì thế cần phải tìm tới các công cụ khác đủ sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều ý kiến gợi ý rằng Việt Nam có thể thu hút đầu tư nước ngoài bằng việc duy trì một môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định và an toàn; giảm bớt gánh nặng về chi phí thủ tục hành chính; tăng cường sự minh bạch; tiết giảm các chi phí sản xuất thông qua các hỗ trợ kỹ thuật ở các khía cạnh thích hợp… Như vậy, Việt Nam sẽ phải bắt tay ngay vào việc rà soát, điều chỉnh chính sách thu hút FDI theo hướng đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thiết lập hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ….- những yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến quyết định đầu tư kinh doanh, thay vì chỉ tập trung vào các ưu đãi về thuế như trước
Bài viết liên quan: